Tin tức báo Đời sống & pháp luật đã đăng tải, trong bản góp ý dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi đang được trình lãnh đạo Bộ Y tế cho ý kiến, Vụ Pháp chế đã đề xuất bổ sung “quyền được chết”, hay quyền án tử, cái chết nhân đạo.
Theo đó, Tiến sĩ Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Pháp chế nêu lên thực tế, trong công việc hàng ngày các bác sĩ chứng kiến nhiều người bệnh không thể cứu được, phải sống thực vật, bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối đau đớn tột cùng về thể xác, sang chấn đến tận cùng về tinh thần. Họ mong muốn được chết, muốn nhờ bác sĩ giúp ra đi một cách êm ái, thanh thản.
Đề xuất “quyền được chết” của Vụ Pháp chế đã nhanh chóng nhận được sự quan tâm của cộng đồng xã hội, đặc biệt là các bệnh nhân, người nhà bệnh nhân mắc chứng bệnh hiểm nghèo, cũng như đội ngũ y, bác sỹ, những người trực tiếp khám chữa cho bệnh nhân.
Liên quan tới vấn đề này, chiều 22/4, PV báo Đời sống & Pháp luật đã có cuộc trao đổi với bác sỹ Lê Thị Vân – Phòng kế hoạch Tổng hợp Bệnh viện K.
Bác sỹ Lê Thị Vân khẳng định: "Trong quá trình điều trị cho bệnh nhân, đặc biệt là những bệnh nhân hiểm nghèo, việc tạo cho họ niềm tin và sự lạc quan trong cuộc sống góp phần không nhỏ để giúp các bệnh nhân vượt lên số phận. Vì vậy, dù người bệnh có hiểm nghèo tới đâu, dù chỉ còn một tia hy vọng sống sót nhưng chúng tôi vẫn cố gắng tới giây phút cuối cùng, lạc quan cùng người bệnh để chiến đấu với bệnh tật”.
Vụ Pháp chế đã đề xuất bổ sung “quyền được chết |
Từ quan điểm này, bác sỹ Vân cho rằng đề xuất bổ xung “quyền được chết” của Vụ Pháp chế nên được đặt trong từng trường hợp cụ thể.
“Nếu trường hợp bệnh nhân mới được chuẩn đoán ung thư hay những căn bệnh hiểm nghèo khác, theo tôi không nên đề cập với họ “quyền được chết” vào lúc ấy. Bởi có thể điều này sẽ làm ảnh hưởng tới tâm lý của bệnh nhân, khiến họ không còn lạc quan và buông xuôi trong quá trình điều trị bệnh”.
“Với những trường hợp bệnh nhân sống thực vật, ung thư giai đoạn cuối, chịu đau đớn tột cùng về thể xác, tinh thần và muốn ra đi nhẹ nhàng thì điều này có thể được cảm thông”. Tuy nhiên, bác sỹ Vân khẳng định: “Bản thân tôi hay những bác sỹ khác chắc chắn sẽ không dám thực hiện mũi tiêm nhân đạo cho bệnh nhân, bởi niềm hạnh phúc lớn nhất của người làm nghề y là được chữa bệnh cứu người, còn nước thì còn tát.”
Cũng liên quan tới sự việc, bác sĩ Dương Đức Hùng, Trưởng đơn vị Phẫu thuật tim mạch, Viện Tim mạch quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai, chia sẻ: "Một bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối di căn, sự tồn tại của họ chỉ tính bằng ngày, bằng tuần và họ phải chịu đựng đau đớn khủng khiếp. Nỗi đau lan cho gia đình, người thân, gây tốn kém tiền của nên họ yêu cầu chấm dứt điều trị để ra đi. Tôi cho đây là quyết định đúng đắn, nhân đạo với bệnh nhân".
Tuy nhiên, bác sỹ Hùng khẳng định rằng đây là vấn đề nhạy cảm, nếu được thông qua thì cách thức tiến hành cũng khó, cần phải đưa vấn đề này ra nghiên cứu và bàn luận cụ thể. Bởi lương tâm nghề y không cho phép các bác sỹ thực hiện mũi tiêm nhân đạo, dù mục đích là tốt đẹp.
Bác Hoàng Q., quê Nghệ An, bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn cuối đang điều trị tại bệnh viện K cho biết: “Bản thân tôi ủng hộ đề xuất này, đó là việc làmnhân đạo dành cho các bệnh nhân mà mạng sống chỉ còn được tính bằng ngày.
Đồng quan điểm đó, bác H., một bệnh nhân ung thư điều trị tại viện K cho hay: “Khi bệnh nhân phải chịu những cơn đau đớn tột cùng, khi mà sự sống chỉ còn được tính từng giờ thì sự ra đi thanh thản có lẽ là niềm hạnh phúc lớn nhất”.
Hiện có rất ít quốc gia cho phép thực hiện cái chết nhân đạo, gồm Hà Lan, 4 bang của Mỹ, Bỉ, vài bang của Thụy Sĩ... Ở những nơi này, khi bệnh nhân tỉnh táo, đủ năng lực hành vi dân sự, đủ khả năng nhận thức hành vi của mình, đủ 18 tuổi thì có quyền lựa chọn cái chết nhân đạo bằng chúc thư hoặc yêu cầu bác sĩ chứng nhận. Với trường hợp sống thực vật, quyền lựa chọn thuộc về gia đình. |
|
Theo Xuân Tùng/Đời sống & Pháp luật
Vui lòng đợi ...